GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ THÁI BÌNH

Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, nay trở thành đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh, thành phố Thái Bình đã không ngừng vươn dậy, trở thành một thành phố năng động, hiện đại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Diện mạo của thành phố đang thay đổi từng ngày; kinh tế tăng trưởng vượt bậc; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng, từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh.

Những dấu mốc lịch sử không thể nào quên

Thị xã Thái Bình ngay từ buổi bình minh thành lập năm 1890, đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là đầu mối giao thông quan trọng, nơi giao thoa các sắc thái văn hóa của tỉnh với tên gọi “Kỳ Bố Hải Khẩu”. Lịch sử đã ghi nhận thị xã Thái Bình là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, là nơi tiếp thu Chủ nghĩa cộng sản sớm nhất tỉnh, nơi đây đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng vào tháng 6/1929, đào tạo nhiều chiến sỹ cách mạng trung kiên cho tỉnh Thái Bình. Đầu năm 1950 Pháp chiếm đóng Thái Bình, thiết lập bộ máy đàn áp tàn bạo hòng lung lạc ý chí của nhân dân thị xã. Song nhân dân thị xã vẫn son sắt một lòng, thủy chung đoàn kết giúp nhau vượt qua mọi hy sinh gian khổ, với ý chí quật cường, bất khuất trước kẻ thù. Sau hơn 4 năm ròng rã chiến đấu, đúng 23 giờ ngày  30/6/1954, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã quét sạch bóng quân thù, giải phóng thị xã, chấm dứt ách đô hộ của thực dân xâm lược trên địa bàn Thái Bình. Hòa bình lập lại, thị xã tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, nhân dân thị xã Thái Bình đã đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang. Mảnh đất tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn và tiếp sức chiến trường, với tinh thần, tất cả hướng về miền Nam ruột thịt.

Sau gần 50 năm giải phóng thị xã, nỗ lực phấn đấu từng tiêu chí, năm 2003 thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III. Một năm sau đó, ngày 29/4/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2004/NĐ-CP thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình. Ngày 30/6/2004 trở thành ngày thành lập thành phố Thái Bình. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, năm 2007 Chính phủ đã ban hành nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư và Đông Hưng để mở rộng thành phố Thái Bình. Năm 2013, thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.

Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 110km, Hải Phòng 80km, thành phố Thái Bình có điều kiện thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Thành phố Thái Bình có tổng diện tích 6.809,8 ha, dân số 218.430 người. Qua bao giai đoạn phát triển, thành phố Thái Bình hiện có 10 phường: Bồ Xuyên, Kỳ Bá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tiền Phong, Trần Lãm, Hoàng Diệu, Phú Khánh, Lê Hồng Phong, Đề Thám và 9 xã: Phú Xuân, Tân Bình, Vũ Phúc, Vũ Chính, Đông Mỹ, Đông Hòa, Đông Thọ, Vũ Lạc.

Vững bước trên chặng đường đổi mới

          Cùng với dòng chảy của lịch sử, sự vươn mình của thị xã xưa, thành phố Thái Bình hôm nay đã chuyển mình trong nhịp sống mới đô thị hóa, xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, thành phố Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần cùng với tỉnh và cả nước đạt được những thành quả quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

      Tận dụng tối đa ưu thế, thành phố Thái Bình hôm nay có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, bền vững; cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Hình thành các khu công nghiệp hiện đại. Đô thị thành phố phát triển đổi thay từng ngày theo hướng sáng, xanh, sạch đẹp, hiện đại và văn minh với nhiều công trình, dự án về hạ tầng đô thị được đầu tư đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.  Giao thông thành phố giờ đã được nối dài với nhiều tuyến đường mới như vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài, cầu vượt sông Trà Lý.  Hệ thống cây xanh đô thị được phủ xanh tại hầu hết các tuyến phố như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng… Công viên cây xanh cũng được quan tâm đầu tư như công viên Lê Quý Đôn, Kỳ Bá, 30/6, công viên sinh thái Hoàng Diệu, hồ Ty Rượu. Các công trình văn hóa như Quảng trường Thái Bình, Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh cùng nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ, thương mại như công viên nước, trung tâm thương mại Vincom, GO; khách sạn Selegend, Petro, Dream, SOJO.  Đời sống của người dân ngày được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, công tác chuyển đổi số đã nhanh chóng đưa các tiện ích thông minh đi vào mọi mặt đời sống nhân dân thành phố. Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao. Nhiều năm liên tục thành phố dẫn đầu phong trào giáo dục toàn tỉnh. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát huy; các phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được phát triển rộng khắp trong nhân dân tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thành phố ngày càng được nâng cao. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn, thành phố dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện…

Nhìn lại chặng đường 70 năm, với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Bình thêm tự hào và tin tưởng vào tương lai, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, kiên cường cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu “phát triển nhanh và bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng” đúng như Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.